Diễn biến cuộc khởi nghĩa ở Lãng Bạc - Cấm khê Chiến_tranh_Hán–Việt_(42-43)

Trận Lãng Bạc - Cấm Khê

Quân Mã Viện chia thành 2 đạo thủy bộ dự tính hội quân ở Hợp Phố để tiến đánh. Tuy nhiên khi đến Hợp Phố thì Đoàn Chí chết vì bệnh nên Mã Viện thống suất toàn quân tiến theo ven biển, ngược sông Bạch Đằng tới sông Lục Đầu rồi vào đất Giao Chỉ, đi thẳng tới Lãng Bạc.[2][3]

Quân Hán tiến đến Long Biên, Tây Vu và Lãng Bạc ở phía đông Cổ Loa. Hai Bà Trưng từ Mê Linh qua Cổ Loa xuống Lãng Bạc đón đánh quân Hán. Tại đây, hai bên đã giao chiến dữ dội. Quân Hán không hợp thủy thổ phương Nam, nhiều người bị chết, trong đó có Bình Lục hầu Hàn Vũ.[4]

Giao chiến lâu ngày, quân Hai Bà Trưng thiếu trang bị và kinh nghiệm, không địch nổi đạo quân thiện chiến của Mã Viện. Tháng 3 âm lịch tức tháng 4 năm 43, quân Việt bại trận. Mã Viện truyện chép: Viện chém vài nghìn đầu, bắt hàng hơn vạn người...[2][5]

Sau trận Lãng Bạc, Trưng Vương phải thu quân về giữ Cổ Loa một thời gian rồi phải lui về Mê Linh, sau đó chạy sang Cấm Khê.

Tại Cấm Khê, quân của Hai Bà tiếp tục bị đánh bại. Quân Hán chém hơn nghìn người, bắt hàng hơn 2 vạn quân khởi nghĩa.[6] Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam thì hai bà chạy đến sông Hát thì nhảy xuống sông tự sát.[3] Còn theo các sách Thống chíHậu Hán thư thì hai bà đều bị chém.[6] Theo sách Hậu Hán thư phần Lưu Long truyện thì Lưu Long đuổi theo bắt được Trưng Nhị còn trong Mã Viện truyện thì cho biết quân Mã Viện khi truy sát quân nổi dậy tới Cấm Khê đã chém được cả Trưng Trắc lẫn Trưng Nhị và đem đầu về Lạc Dương.[2][7] Sau khi chiến thắng, Mã Viện cho lui quân về Luy Lâu để thu phục quận thành và nghỉ ngơi.

Thời điểm Hai Bà mất được xác định chưa thống nhất. Hán thư ghi sự kiện diễn ra tháng 4 âm lịch, tức là tháng 5 dương lịch năm 43. Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, Hai Bà tự vẫn vào ngày 8 tháng 3, nên về sau lấy ngày này làm ngày hội Hát Môn[8].

Sau khi Hai Bà Trưng mất thì những cuộc kháng cự của người Việt vẫn còn tiếp tục kéo dài.

Mã Viện tấn công Cửu Chân

Sau khi chiếm lại quận Giao Chỉ, Mã Viện tiếp tục tiến vào đất Cửu Chân. Ông đem theo hơn 20.000 binh sĩ cùng hơn 2.000 lâu thuyền lớn nhỏ đi đánh tướng của Trưng Vương là Đô Dương, từ huyện Vô Công tới huyện Cư Phong, chém và bắt hơn 5.000 người[2]. Sách Thủy Kinh Chú chép: "tháng 10 năm 19 hiệu Kiến Vũ [năm 43], Mã Viện vào quận Cửu Chân ở miền Nam, đến huyện Vô Công, tướng giặc đầu hàng, lại tiến vào huyện Dư Phát. Cừ súy là Chu Bá bỏ quận mà vào rừng sâu... Mã Viện lại chia binh làm 2 đạo, 1 đạo vào huyện Vô Biên, 1 đạo đến huyện Cư Phong. Phàm tướng giặc không hàng đều bị chém đầu đến mấy trăm người. Thế là đất Cửu Chân yên..." [7]

Riêng đất Nhật Nam thì các bộ lạc ở rải rác không tham dự cuộc nổi dậy nên Mã Viện không tiến quân nữa.